Bệnh động kinh là rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương, xảy ra do sự phóng điện đột ngột, không kiểm soát của một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, làm xuất hiện các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần với những thay đổi từ nhận thức, cảm giác đến hành vi vận động và chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh động kinh được cụ thể hoá bằng các đặc điểm như:
⚡️ Các cơn co giật, động kinh có tính chất định hình và lặp đi lặp lại nhiều lần.
⚡️ Cơn động kinh xảy ra đột ngột, trong thời gian ngắn.
⚡️ Xuất hiện cùng các rối loạn chức năng thần kinh khác.
⚡️ Điện não đồ phát hiện các đợt sóng kịch phát bất thường.
Hình ảnh các giáo viên của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Hải Dương tham gia tập huấn massage trị liệu cho học sinh
TRẺ MẮC BỆNH ĐỘNG KINH CÓ THỂ ĐI HỌC KHÔNG?
Bệnh động kinh có thể làm cho con bạn cảm thấy việc học ở trường khó khăn. Con khó có thể theo kịp chương trình học với các bạn cùng lớp.
Một số vấn đề liên quan đến học tập mà trẻ bị động kinh có thể gặp phải là:
- Gặp khó khăn học tập đặc thù: khó đọc, khó viết, và khó tính toán;
- Trẻ có thể mất thời gian lâu hơn để xử lý các thông tin mới hoặc hoàn thành các nhiệm vụ học tập so với trẻ khác;
- Trẻ có thể học một chủ đề nhiều lần, nhưng không thể nhớ lại vào ngày hôm sau;
- Trẻ khó phát âm, nói và giao tiếp với người khác;
- Trẻ có vấn đề với khả năng tập trung, chú ý. Trẻ chỉ có thể tập trung trong một thời gian ngắn.
- Trẻ có thể bị rối loạn với giấc ngủ.
- Thuốc chữa động kinh có thể làm chậm quá trình xử lí thông tin của trẻ, giảm chức năng của bộ nhớ, cơ thể mệt mỏi.
CAN THIỆP SỚM VÔ CÙNG QUAN TRỌNG
- Một đánh giá về tâm lý hoặc đánh giá về tâm thần kinh có thể giúp bạn xác định các vấn đề bất thường của con và mức độ ảnh hưởng của nó đến cuộc sống, cung cấp thêm thông tin để chẩn đoán và điều trị.
- Trẻ em bị động kinh đòi hỏi phải được học trong một môi trường học tập được thiết kế đặc biệt. Cách tốt nhất để dạy trẻ em bị suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung kém là dạy trực tiếp, một thầy một trò.
- Trong một số trường hợp, bạn có thể đề nghị cho con học Chương trình giáo dục đặc biệt, trong đó có các kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng xã hội,…
- Bạn hãy nói chuyện thường xuyên với con về những khó khăn mà con gặp phải, những chuyện đã xảy ra ở trường.
- Bạn hãy tạo một môi trường hỗ trợ trong trường học với giáo viên và các bạn cùng lớp sẽ giúp cho việc học của con thoải mái và động lực học tập cho con.
GIÁO VIÊN CẦN LÀM GÌ KHI TRONG LỚP CÓ TRẺ BỊ ĐỘNG KINH?
Giáo viên hãy tạo một môi trường hỗ trợ trẻ bị động kinh để giúp cho việc học của con được thoải mái và có động lực học tập. Một số các biện pháp như sau:
- Lập ra các quy tắc và nội quy rõ ràng trong lớp học;
- Sắp xếp cho trẻ ngồi ở trên, phía trước bảng để giúp trẻ tập trung và tránh phân tâm;
- Cho trẻ ít bài tập phải viết nhiều;
- Tạo thời gian biểu trực quan lịch học mỗi ngày để trẻ tiện theo dõi;
- Sử dụng các phương pháp dạy học trực quan, như biểu đồ và hình minh họa, nếu con có các vấn đề về thị giác hoặc về thị giác - không gian;
- Để nhắc nhở trẻ tập trung vào một phần học cụ thể, giáo viên có thể chỉ vào các phần văn bản đang học hoặc che các phần không liên quan trên trang sách;
- Dạy trẻ thói quen “suy nghĩ kỹ trước khi hành động” để trẻ tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình;
- Sử dụng các cách truyền tải và cách dạy dễ hiểu, đơn giản;
- Cho phép trẻ ghi âm các phần học trên lớp;
- Cho phép trẻ có thêm thời gian để làm bài kiểm tra, làm bài tập và trả bài trên lớp;
- Yêu cầu trẻ nhắc lại nội dung bài học để chắc chắn trẻ hiểu được bài;
- Xây dựng các bài giảng có lượng kiến thức vừa phải để trẻ tiếp nhận và ghi nhớ;
- Xây dựng một cơ chế học hỏi trong đó các học sinh cùng lớp có thể dạy và truyền đạt các bài học cho nhau;
- Có các lớp học đặc biệt – can thiệp cá nhân cho trẻ;
- Quan sát và nói chuyện với trẻ về tình hình học tập và cảm giác của trẻ mỗi ngày;
- Sử dụng các từ hoặc cụm từ khóa để giúp trẻ dễ tập trung và ghi nhớ;
- Cuối cùng, có thể giúp trẻ bằng cách tìm ra một kỹ năng hoặc một sở thích mà trẻ giỏi, tạo cơ hội cho con thể hiện được khả năng.