Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 36

Số lượt truy cập: 483111

Dấu Hiệu Chậm Nói Ở Trẻ

30/05/2019

Số lượt xem: 1603

Chậm nói ở trẻ

             Có phải là bệnh lí ? 

             Các dấu hiệu chậm nói ở trẻ ? 

             Chậm nói có cần can thiệp ?

1. Chậm nói có phải là bệnh lí ?

Chậm nói ở trẻ có thể là tình trạng tạm thời và kỹ năng nói sẽ hoàn thiện theo thời gian. Nhưng ở một số trẻ, chậm nói là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc phải một bệnh lý, bao gồm: Tự kỉ, điếc, rối loạn ngôn ngữ và giao tiếp,….

 Nói là khả năng thể hiện một ngôn ngữ và phát âm (nói đúng các âm và các từ).

Chậm nói là ngôn ngữ biểu đạt của trẻ trễ hơn so với trẻ có cùng tháng tuổi.

Chậm phát triển ngôn ngữ là ngôn ngữ của trẻ phát triển theo đúng trình tự, nhưng tốc độ chậm hơn. Trẻ có     khó khăn trong cả ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ biểu đạt. Các mức độ đều trễ hơn so với trẻ có cùng tháng tuổi

Rối loạn lời nói và ngôn ngữ là sự phát triển bất thường của ngôn ngữ. Đây là dạng  phổ biến nhất.

2. Các giai đoạn phát triển kỹ năng nói của trẻ

10 - 18 tháng: Trẻ nói được một số các từ đơn giản và có tần xuất xuất hiện nhiều trong cuộc sống của trẻ. VD: Ba, bà, ma ma, măm,meo, đi,…

Từ 18 – 24 tháng: Đây là giai đoạn quan trọng để phát triển khả năng nói ở trẻ, phát triển vốn từ vựng, tập diễn đạt các câu ngắn và bắt chước các hành động của người khác.

Từ 2 tuổi trở lên: Đây là thời điểm mà vốn từ của trẻ tăng lên nhanh chóng. Trẻ nói những câu dễ hiểu, hỏi nhiều hơn,  khả năng giao tiếp tốt hơn.

3. Các dấu hiệu

Sử dụng hành động hơn là lời nói: Vì trẻ không nói được nên muốn biểu đạt nhu cầu, suy nghĩ của mình thường dùng các hành động như: kéo tay, chỉ tay, mắt hướng về nơi chỉ đồ . Và nếu không đạt được mong muốn, trẻ có thể khóc, la hét hoặc ăn vạ.

Hạn chế vốn từ: Thường trẻ từ 18 tháng trở lên đã có thể nói được một số từ đơn giản. Đến 2 tuổi trẻ có khoảng 200 – 500 từ trong kho từ vựng. Nếu ít hơn phụ huynh nên xin ý kiến của các chuyên gia hoặc là có những bài test, hoặc là đưa ra các biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ.

Không bắt chước được âm thanh: Nguyên nhân của chậm nói thường khác nhau. Các vấn đề về thính giác cũng là nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Tình trạng này khiến trẻ không nghe rõ những gì người khác nói, từ đó gặp khó khăn trong việc nói, hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.

Không hiểu được yêu cầu đơn giản: Nếu trẻ phản ứng chậm khi được hỏi những câu rất đơn giản, trẻ không hiểu nghĩa thì có nghĩa trẻ đang bị chậm.

Không thể nói câu hoàn chỉnh: Trẻ chỉ có thể nói được những câu ngắn khoảng 2 – 3 từ và gặp khó khăn trong việc ghép các từ đơn lại với nhau, không thể nói được một câu hoàn chỉnh.

4. Phải làm gì khi trẻ bị chậm nói

Nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói ở trẻ có thể do khiếm khuyết cơ thể, tâm lý hay hội chứng tự kỷ,… Bên cạnh việc đưa trẻ đi khám ngay/đánh giá thì bố mẹ có thể làm theo những khuyến cáo từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý như sau:

Đưa trẻ đi khám nếu gặp khiếm khuyết về cơ thể như: thính giác, cấu trúc của lưỡi, vòm miệng, khuyết tật trong phối hợp giữa não với môi, lưỡi và hàm.

Trẻ được can thiệp từ những người có chuyên môn tại các lớp trị liệu ngôn ngữ;

Dành nhiều thời gian nói chuyện, hát và yêu cầu trẻ bắt chước lại âm thanh được nghe; Dạy trẻ những từ đơn giản nhất kèm theo hình ảnh và hành động minh họa để trẻ dễ nhớ, dễ hình dung; Đọc sách, truyện phù hợp lứa tuổi cho trẻ;

Cho trẻ tham gia hoạt động với các bạn cùng độ tuổi hay vui chơi ngoài trời để kích thích khả năng tương tác và phản xạ của trẻ.

Ths Nguyễn Thị Lan Anh

Nguồn: Ths Nguyễn Thị Lan Anh - Viện KHGD Việt Nam